PHÒNG CHỐNG BỆNH GLÔCÔM


Lúc 01:49 ngày 14-03-2023

Thưa bà con và các bạn! Bệnh Glôcôm (hay còn gọi là tăng nhãn áp) xảy ra do áp lực của mắt tăng cao bởi sự tích tụ của thủy dịch trong nhãn cầu. Đây là một trong những bệnh phổ biến về mắt, đứng hàng thứ hai trong nhóm các nguyên nhân có thể gây mù lòa trên toàn thế giới và được được ví như kẻ đánh cắp thị lực của con người

Ước tính hiện nay có khoảng hơn 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm trên thế giới, khoảng 50% người mắc bệnh không biết rằng họ mắc bệnh và con số này có thể cao hơn ở các nước đang phát triển. Bệnh glôcôm ở giai đoạn đầu không có triệu chứng, nhưng nếu không được điều trị bệnh glôcôm có thể tiến triển thành mù lòa.
Glôcôm thường gặp ở người trên 35 tuổi, đây là bệnh có yếu tố di truyền nên người bệnh và những người ruột thịt trong gia đình của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện và đến cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và điều trị kịp  thời. Glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gây đau nhức, mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn.
1. Nguyên nhân gây bệnh Glôcôm:
Nguyên nhân gây bệnh Glôcôm là do chất thủy dịch bị tích tụ lại trong mắt, bởi kênh đào thải chất dịch này bị chặn lại, làm áp suất trong mắt tăng cao, lâu dài gây tổn hại dây thần kinh thị giác – bộ phận có nhiệm vụ dẫn truyền hình ảnh nhận được từ võng mạc lên não bộ, từ đó làm giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.
Một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến việc phát sinh bệnh như:
- Tuổi cao
- Cận thị
- Gia đình có người mắc glocom
- Người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, suy giáp, chấn thương, tổn thương giác mạc…
- Sử dụng thường xuyên một số loại thuốc như histamin, corticoid…
2. Triệu chứng của bệnh Glôcôm:
Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Nhìn mờ, khi soi đèn thấy xuất hiện quầng sáng hoặc hình ảnh như cầu vồng quanh ánh đèn.
- Mất dần tầm nhìn ngoại vi: người bệnh có cảm giác như nhìn qua đường hầm.
- Đau đầu hoặc đau nhức trong hốc mắt.
-Cộm mắt, chảy nước mắt.
- Mắt sưng đỏ, khi lấy tay di vào phần mí mắt trên thấy cứng như hòn bi.
- Buồn nôn, nôn.



Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường ít và khó phát hiện. Theo thời gian bệnh có thể tiến triển nặng lên gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.
Bệnh glôcôm thường khởi phát đột ngột vào buổi chiều tối, khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh.
Biểu hiện của bệnh là mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng; sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi; đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giác mạc phù nề mờ đục. Khi có những triệu chứng như trên người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời.
Ngoài ra một số người có thể có nguy cơ mắc Glôcôm cao hơn mọi người bình thường, đó là những người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp, đục thủy tinh thể, các bệnh chấn thường về mắt…. những bệnh này đều có thể có biến chứng trở thành Glôcôm.
3.  Phòng bệnh Glôcôm:
    Glôcôm là một bệnh rất nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa do bệnh Glôcôm bằng cách: phát hiện sớm, điều trị kịp thời, theo dõi thường xuyên, khi thấy mắt có những biểu hiện bất thường cần phải đi khám ngay, khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa, những người trên 40 tuổi phải thường xuyên đi khám mắt và đo nhãn áp, Những người bị mắc bệnh đái đường, bệnh cao huyết áp cần thiết được điều trị đúng để đường huyết hoặc huyết áp ổn định ở mức bình thường. Một người trong gia đình bị bệnh Glôcôm thì phải đo nhãn áp cho tất cả mọi người trên 25 tuổi có cùng huyết thống.

Đừng để Glôcôm đánh cắp thế giới tươi đẹp của bạn!

 

Người viết




Phan Ngọc Tấn

Người đăng: Administrator
Tin cùng chuyên mục
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN CHÂU THÀNH – ĐỒNG THÁP
Khóm Phú Bình, Thị trấn Cái Tàu Hạ, Huyện Châu Thành, Đồng Tháp.
Điện thoại: 02773.841.038 Fax: 02773.611.843
Email: ttytctdt@gmail.com